Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh Sóc Trăng đã tạo được sức bật mới góp phần khẳng định vai trò, vị trí quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương.
Phát huy tốt vai trò chức năng của công tác khuyến học, khuyến tài trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội và hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hội Khuyến học tỉnh luôn tích cực phối hợp với các ban ngành chức năng tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” theo tinh thần Chỉ thị 11- CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 06 CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng. Qua đó, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tỉnh Sóc Trăng đã mang lại kết quả rất đáng trân trọng. Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong mọi tầng lớp nhân dân ngày càng cao, nhiều người tự nguyện xin gia nhập làm hội viên Hội Khuyến học, tham gia đăng ký và tái đăng ký xây dựng “Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng động khuyến học”, đã tạo nên một phong trào khuyến học lan tỏa rộng khắp cơ sở xã, phường, thị trấn. Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển được: 164.251 (đạt tỷ lệ 16.09% so với tổng dân số); 3.174 Ban, Chi Hội cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở tôn giáo; vận động đăng ký được: 65.095 Gia đình học tập(đạt tỷ lệ 20,81% so với tổng số hộ gia đình); 19.147 Dòng họ học tập(DHHT); 176 Cộng đồng học tập(CĐHT); 186 Đơn vị học tập(ĐVHT).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vận động xây dựng quỹ khuyến học nhằm đẩy mạnh phong trào “khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Những người làm công tác khuyến học các cấp trong tỉnh đã có những cách làm hay, linh hoạt vận dụng thực tiễn để xã hội hóa mọi nguồn lực đóng góp quỹ khuyến học. Năm 2017, toàn tỉnh Sóc Trăng đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp được: 26.930.975.672 đồng(vượt chỉ tiêu đề ra 13%). Trong đó, đã tổ chức trao được: 47.714 suất học bổng các loại, với tổng trị giá là: 18.237.711.800 đồng. Đồng thời, các cấp Hội còn tích cực hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo, trao học bổng, trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh, sinh viên nghèo có tinh thần vượt khó trong học tập, khen thưởng giáo viên đạt thành tích cao, xây dựng và sửa chữa trường lớp; vận động người dân hiến đất xây dựng trường học … Với tổng số tiền trên 8.693.263.872 đồng. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh nghèo khó, mồ côi được học tập tốt, góp phần hạn chế tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học..., nhằm thực hiện tốt mục tiêu đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo.
NGND Lâm Es, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh nghèo. Ảnh: Lâm Sao
Ngoài ra, Hội Khuyến học các cấp còn phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT tham mưu UBND cùng cấp nhằm củng cố, tổ chức Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn hoạt động đi vào nề nếp. Trong năm 2017, các trung tâm này đã tổ chức được: 1.784 lớp, với 88.497 lượt người dự xoay quanh nội dung như: Chuyển giao Khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề ngắn hạn; phổ cập giáo dục THCS, THPT; quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; thông tin thời sự trong nước và quốc tế… có 394.000 lượt người tham dự, đáp ứng tốt nhu cầu học tập thường xuyên của mọi người, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Riêng Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa và Luyện thi trực thuộc Hội Khuyến học tỉnh còn tổ chức bồi dưỡng tiếng Khmer (từ trình độ đàm thoại đến trình độ THPT) cho gần 400 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang theo học mỗi năm. Nhằm trang bị thêm kiến thức ngôn ngữ Khmer phục vụ công tác tuyên truyền, vận động bà con dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân. Thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” theo Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ và tích cực thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020 theo Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 1072/CTUBND-HC về việc thực hiện thí điểm Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” tỉnh Sóc Trăng trên địa bàn huyện Long Phú (chọn 03 xã) và thị xã Vĩnh Châu (01 xã, 01 phường). Qua Sơ kết đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” “Cộng đồng học tập” đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện tốt, đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực…
Chính sự tích cực trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhiều năm liền Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng III; 04 cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Khuyến học VN; 04 cờ thi đua xuất sắc của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, Nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bức trướng và Bằng khen có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội hoc tập.
Càng vinh dự hơn khi Hội Khuyến học các cấp tỉnh Sóc Trăng đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ làm “chiếc cầu nối” vững chắc giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng tham gia công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập quốc tế./.
Lâm Sao